Ông Nguyễn Thế Hồng (sinh năm 1961) là một doanh nhân đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản ở Bắc Ninh. Ông hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh, đồng thời là Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc.
Là người con của vùng đất Từ Sơn - Bắc Ninh địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của vương triều nhà Lý, quê hương của các bậc tiền bối cách mạng, kế thừa những truyền thống tốt đẹp của quê hương, ông Nguyễn Thế Hồng có niềm đam mê với cổ vật và đã sưu tầm cổ vật từ rất sớm.
Trong suốt hơn 20 năm nỗ lực, ông Nguyễn Thế Hồng đã bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc đi khắp các nơi trong và ngoài nước để sưu tầm cổ vật. Đến nay, bộ sưu tập của ông có gần 3000 hiện vật đặc sắc, giá trị gồm đồ đồng, đồ gốm thuộc các văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa có niên đại cách ngày nay hàng ngàn năm; cùng với đó là đồ đồng, đồ gốm, đồ sứ, tiền cổ, ngọc, đồ gỗ sơn thếp… của các triều đại phong kiến Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản.
Tiêu biểu là thạp đồng Đông Sơn – Bảo vật Quốc gia và Ấn vàng Hoàng Đế Chi Bảo của vua Minh Mạng.
Trên cơ sở khoa học đó, được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo địa phương, các nhà khoa học, bạn bè trong nước và quốc tế, ngày 28 tháng 12 năm 2017, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đã được thành lập theo Quyết định số 2019/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là đơn vị sự nghiệp ngoài công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, chịu sự quản lý nhà nước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh và Ủy ban nhân dân thành phố Từ Sơn. Bảo tàng có chức năng nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ học, sưu tầm, lưu giữ, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu, phát huy giá trị tài liệu, hiện vật Việt Nam, châu Á, châu Âu…; tổ chức đào tạo, tư vấn, giám định, thẩm định, quản lý, khai thác dịch vụ thuộc phạm vi hoạt động của bảo tàng. Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, hạch toán độc lập. Tên giao dịch quốc tế: Nam Hong Royal Museum.
---------------------------------------------------
Hiện nay Bảo tàng trưng bày trong 04 không gian chính, gồm:
Phòng 01: Ấn vàng Hoàng Đế Chi Bảo và sắc phong, đồ gỗ sơn son thếp vàng, tranh thêu cung đình Huế thời Lê Trung Hưng, Nguyễn.
Đây là không gian trang nghiêm với các hiện vật gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Các hiện vật là đồ thờ như: hương án, khám thờ, ngai thờ, sập thờ, sắc phong, hoành phi, câu đối… Các hiện vật được chạm khắc tinh xảo, sắc đỏ của sơn, ánh sáng của vàng cùng với những đề tài trang trí sinh động mang ý nghĩa tốt lành cao quý, đồ gỗ sơn thếp được gắn với những nơi tôn nghiêm, trang trọng chốn cung đình hay nơi thờ tự và trở thành những tác phẩm nghệ thuật, những vật quý giá linh thiêng.
Tại không gian này còn trưng bày những hiện vật đồ cung đình Huế như: tranh thêu chỉ vàng, bát vàng, bình vôi vàng, gối kê tay ngai vàng....
Và đặc biệt trong không gian trang nghiêm đó hiện đang trưng bày ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đây là chiếc ấn quan trọng nhất của vương triều Nguyễn được dùng trong các sự kiện trọng đại của đất nước như truyền ngôi, đối nội, đối ngoại và sắc phong cho các quan thần.
Ấn vàng được đặt tên “Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ” của Hoàng đế Minh Mạng (1791 - 1841), cao 10,4cm, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7cm. Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời Vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7kg). Mặt dưới in dòng chữ “Hoàng đế chi bảo” (Báu vật của hoàng đế). Ấn được truyền từ đời Vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, Vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30/8/1945 tại Ngọ môn Huế, đưa ra Hà Nội.
Tuy nhiên, cuối năm 1946 khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 08/03/1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt, với tư cách khi đó là Quốc trưởng của một chính phủ được ông đại diện thành lập năm 1948. Bộ ấn kiếm sau đó được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại.
Phòng 02: Đồ gốm, sứ, ngà, đồng của Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu
Đây là những hiện vật tiêu biểu và độc đáo nhất của gốm sứ Trung Hoa và Nhật Bản. Những hiện vật này đều được ông Nguyễn Thế Hồng dày công sưu tầm tại nước ngoài. Từng món đồ đều được các nghệ nhân xưa làm tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Các hoa văn trang trí trên gốm sứ Trung Quốc và Nhật Bản ngoài các đề tài về tứ linh, tứ quý thì các điển tích xưa cũng được thể hiện lên các món đồ như: tích Tam Quốc, Bát Tiên, Mẫu tử du xuân,…
Ngoài ra tại không gian này bảo tàng còn trưng bày các hiện vật đồ Châu Âu như: đồng hồ, chân đèn, tranh, tượng,…
Phòng 03: Đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, Nguyễn
Đồ sứ ký kiểu là thuật ngữ chỉ các loại đồ sứ do các nghệ nhân Việt Nam thiết kế, vẽ kiểu… sau đó đặt hàng tại các lò gốm nổi tiếng Trung Hoa chế tạo. Đồ sứ ký kiểu thường do đích thân các Vua chúa duyệt mẫu sau đó mới đặt sản xuất nhằm cho việc sử dụng trong cung đình hay cho các quan viên, trụ sở của các cơ quan triều đình…
Đồ sứ ký kiểu phong phú về chủng loại, kiểu dáng, đa dạng về đề tài và hoa văn trang trí. Ngoài những đề tài dựa theo yêu cầu đặt hàng như danh lam thắng cảnh ở Huế và vùng phụ cận cùng với thơ văn minh họa bằng chữ Hán và chữ Nôm, còn có các đề tài kinh điển khác như: tứ linh, phong cảnh, nhân vật, điển tích, tứ quý, bát tiên... Trên từng món đồ sứ ký kiểu đều ghi hiệu đề riêng.
Phòng 04: Đồ đồng và đồ gốm từ văn hóa Đông Sơn đến các triều đại phong kiến Việt Nam: Lý – Trần – Lê - Nguyễn.
Tại không gian này hiện đang trưng bày những bộ sưu tập hiện vật đặc sắc của từng giai đoạn lịch sử như:
Bộ sưu tập trống đồng với hơn 40 chiếc đầy đủ kích thước và chủng loại từ Heger I cho đến Heger IV, trống đồng luôn được coi là biểu tượng thiêng liêng cho văn minh – văn hóa dân tộc Việt Nam.
Bộ sưu tập gốm men ngọc và men trắng đây là dòng gốm tiêu biểu nhất của thời Lý, đặc biệt là nhóm hiện vật bát đĩa men trắng đồ ngự dụng Hoàng Thành Thăng Long, là những hiện vật rất giá trị và còn nguyên vẹn, hiện nay còn rất ít những hiện vật đồ ngự dụng Hoàng Thành lành lặn được làm bằng chất liệu gốm men trắng này.
Bộ sưu tập gốm hoa nâu đây là dòng gốm mang đậm văn hóa Đại Việt ( Lý – Trần ), gốm hoa nâu mang tính thời đại sâu sắc, vào thời Lý – Trần khi Phật giáo trở thành Quốc giáo, vậy nên các hoa văn trang trí trên gốm hoa nâu cũng thấm đẫm yếu tố Phật giáo vào từng món đồ như: đề tài hoa sen, hoa cúc hay những hình ảnh rất đỗi đời thường phản ánh cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của người dân và dân tộc.
Ngoài ra còn rất nhiều các bộ sưu tập độc đáo và giá trị khác như: bộ sưu tập dao găm cán hình người, bộ sưu tập gốm Chu Đậu (thời Trần – Lê),…
Và đặc biệt tại không gian này hiện đang trưng bày chiếc thạp đồng Đông Sơn, niên đại cách ngày nay 2300 – 2200 năm đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định là bảo vật quốc gia vào ngày 30/01/2023. Đây là chiếc thạp độc bản, hoàn hảo cả nắp và thân thạp, trong số hàng trăm chiếc thạp đồng được tìm thấy tại Việt Nam thì duy chiếc thạp đồng này được trang trí băng hoa văn động vật chạy ngược chiều kim đồng hồ.
Đến với Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, quý khách sẽ được chiêm ngưỡng, có nhiều trải nghiệm thú vị, hiểu biết thêm về các giá trị lịch sử văn hóa khoa học nghệ thuật của cổ vật, bảo vật, bảo vật quốc gia… mà chúng tôi đang lưu giữ và trưng bày.
Chào mừng quý khách đến với Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng!
Collection
Activities news
Khẳng định giá trị ấn “Hoàng đế chi bảo”
Chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” nằm trong số 14 “kim ngọc, bảo tỷ” (ấn vàng, ấn ngọc) mà Hoàng đế Minh Mạng đã cho chế tác vào thời ông trị vì (1820-1841). Trong đó, 13 chiếc vẫn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Chiếc duy nhất còn lại chính là ấn “Hoàng đế chi bảo” có số phận gian truân, nhưng cuối cùng cũng được hồi hương về cố quốc mới đây, tạo ra được một bộ sưu tập ấn thời Minh Mạng hoàn mỹ, toàn vẹn
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo và sự trở về
Chiếc ấn vàng lớn nhất của triều Nguyễn được hoàng đế Minh Mạng cho đúc cách đây đúng 200 năm, là chiếc ấn đã trải qua 12 triều đại các vua nhà Nguyễn, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nước Việt từ thời cận đại qua hiện đại đến đương đại: Ấn Hoàng Đế Chi Bảo.